Sự kiện - Vấn đề

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với 'cơn bão' xe nhập khẩu

04/05/2015 00:05
347 Lượt xem
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ôtô nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 đã đạt hơn 71.000 chiếc với trị giá hơn 1,5 tỷ USD là con số kỷ lục cả về số lượng và giá trị. So với năm 2013, nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng 102% về số lượng và tăng 119% về giá trị.
 
Như vậy, hàng loạt mẫu xe từ các nước Indonesia, Philippines hay Thái Lan… sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều so với hiện nay.
          
Ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước vốn đã non trẻ sẽ lại càng khó khăn trước cơn bão nhập khẩu xe ôtô từ các nước trong khu vực.
 
Sức ép ngày một lớn
         
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ôtô nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 đã đạt hơn 71.000 chiếc với trị giá hơn 1,5 tỷ USD là con số kỷ lục cả về số lượng và giá trị. So với năm 2013, nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng 102% về số lượng và tăng 119% về giá trị.
         
Cùng với đó là mối lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, khi sức ép từ thị trường nhập khẩu ngày càng lớn.
        
Mới đây, doanh nghiệp Toyota đã lên tiếng về khả năng ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam để tiến hành nhập khẩu xe nguyên chiếc.
        
Đây là điều có thể dự báo được trước, khi trong suốt nhiều năm qua, hiệu quả của những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển là không đáng kể.
      
Theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nay là Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam, mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng dung lượng thị trường ôtô Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, mới chỉ đạt hơn 100.000 xe/năm, trong khi ở các nước cùng khu vực khoảng 500.000-600.000 xe/năm.
         
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ ôtô còn yếu và mới chỉ sản xuất chủ yếu các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị thấp như gương, kính, ắc quy, bộ dây điện, ghế ngồi, vỏ xe.
         
Tháng 8/2014, Bộ Công Thương đã công bố Chiến lược và Quy hoạch cho ngành công nghiệp ôtô giai đoạn mới. Bộ cũng cho biết sẽ sớm hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp ôtô nhưng đến nay, các chính sách cụ thể này vẫn chưa được ban hành.
        
Ông Hào cũng cho rằng, khi thuế suất bằng 0% thì nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các thị trường trong khu vực để bán, thay vì sản xuất và lắp ráp sẽ tốn kém hơn.
         
Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giá xe ôtô giảm. Vì vậy, để làm ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, áp lực đè lên vai các doanh nghiệp sản xuất ôtô tại thị trường trong nước sẽ là rất lớn.
       
Còn ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) bày tỏ, Chính phủ đã có các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển Chương trình cơ khí trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ...
         
Từ đó, Vinaxuki đã đầu tư cho dự án lớn như sản xuất ôtô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhưng trên thực tế thì Vinaxuki không nhận được sự ưu đãi nào như chính sách đã ban hành. Việc không vay được vốn ngân hàng để đi vào sản xuất, chính sách thuế và phí cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất bị đình trệ.
         
Trong tương lai không xa, nếu không có sự hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, rất có thể, nhiều doanh nghiệp ôtô như Ford, Honda, hay các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất ôtô tại Việt Nam… sẽ phải nản lòng và lựa chọn con đường cho chính mình.
 
Có còn "cửa hẹp"?
        
Trong khi các doanh nghiệp FDI đang lo ngại về khả năng tiếp tục đầu tư lắp ráp ôtô tại thị trường Việt Nam và chờ đợi các chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn có cửa để phát triển, nếu các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đánh trúng và hiệu quả.
         
Với vốn 100% trong nước, Vinaxuki đã đầu tư rất lớn (hơn 600 tỷ đồng) cho luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot...
         
Theo Vinaxuki, dự án này hoàn thành và đi vào sản xuất, đến năm 2018, sản phẩm của Vinaxuki sẽ có cơ hội cạnh tranh ở các dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn, xe con thông thường dùng cho đi lại cá nhân và taxi, xe khách dưới 28 chỗ dùng cho giao thông công cộng.
         
Trên thực tế, đến nay Vinaxuki đã tự sản xuất được thân vỏ xe con, xe tải, cabin xe tải, sắt-xi... và sắp tới, doanh nghiệp này có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan… để sản xuất thiết bị, phụ tùng ôtô công nghệ cao hơn.
         
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki cũng khẳng định: "Chỉ cần được hỗ trợ về thuế và vốn vay từ Nhà nước, Vinaxuki có thể sản xuất xe ôtô con, xe tải “Made in Vietnam” trong những năm tới, đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa 40-50% và có thể hướng tới xuất khẩu."
        
Ông Huyên cho rằng, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất dòng xe dành cho những người thu nhập thấp, xe tải chở hàng như các nước Ấn Độ, Thái Lan… để phục vụ đời sống người lao động.
         
Ngoài các hỗ trợ về thuế, phí, vay vốn thì Chính phủ có thể giúp doanh nghiệp cơ khí, sản xuất trong nước phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài nâng cao trình độ công nghệ, sản xuất ôtô… Đây chính là cánh cửa để doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển nhanh nhất có thể.
        
Theo ông Đỗ Hữu Hào, thị trường xe hơi vẫn còn rất nhiều khoảng trống để phát triển bởi Việt Nam có 90 triệu người, trong khi lượng xe ôtô chỉ vài triệu xe.
         
Hiện tại các thị trường ôtô như Thái Lan, Malaysia, Philippines… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư sản xuất ôtô, hay thị trường đã đến ngưỡng bão hòa...
        
Nếu chúng ta muốn vực dậy ngành công nghiệp ôtô trong nước một cách nhanh chóng thì Chính phủ cần tăng quy mô thị trường, đẩy mạnh năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về chất lượng và năng suất sản phẩm.
         
Ông Hào cũng cho rằng, việc liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu trên thế giới về sản xuất linh kiện, phụ tùng và các thiết bị công nghệ cao là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp cơ khí nội địa, nhanh chóng tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
DK (nguồn: theo http://baocongthuong.com.vn)
Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

Mở cuộc thi báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” lần thứ 7

Chiều 3/4, tại Nhà hát lớn Hải Phòng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng tưng bừng tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” lần thứ 7 với chủ đề Hải Phòng - Thành phố thân thiện.

Vietnam Expo 2025: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

Sáng 02/4 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 34 (Vietnam Expo 2025). Hội chợ thu hút sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quy mô trên 500 gian hàng.

Quý 1/2025: Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn cả nước. Ba tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư với trên 2 tỷ USD, chủ yếu là các dự án công nghệ cao và bán dẫn.

Việt Nam – Czech: Mở rộng hợp tác công nghệ bán dẫn

Công nghệ bán dẫn là nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp như điện tử, viễn thông, ô tô, và thậm chí là công nghiệp quốc phòng.

Phát huy bản sắc Văn hóa, con người Hải Phòng

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng vui mừng tổ chức Hội thảo: “Phát huy bản sắc Văn hóa, con người Hải Phòng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước”.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top