Mới đây, Công ty Sơn Nippon (Nhật Bản) đã khai trương nhà máy sản xuất sơn thứ 3 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với vốn đầu tư 14 triệu USD, cho sản lượng 15.000 tấn sơn/năm. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất các loại sơn công nghiệp cho ô tô, xe máy, sơn phủ tầu biển, nhựa... để đáp ứng thị trường Việt Nam.
Trước đó, nhà máy thứ hai đã được công ty này xây dựng năm 2005, cũng tại Vĩnh Phúc, để cung cấp sơn cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, với sản lượng 5.000 tấn/năm.
Ông Kondo Masao, Tổng giám đốc Công ty Sơn Nippon Vĩnh Phúc, cho biết, kinh tế phát triển, tiêu thụ ô tô, xe máy tại Việt Nam tăng mạnh khiến nhu cầu sơn tăng, đó là lý do mà Nippon tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 3, tăng gấp 3 lần công suất.
Không chỉ Nippon, hàng loạt nhà sản xuất sơn phục vụ công nghiệp ô tô, xe máy cũng đã có mặt và đầu tư vào thị trường Việt Nam thời gian qua, như Kansai Paint, BBG (Nhật Bản)... Theo Nippon, thì hầu hết các DN sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Toyota, Trường Hải, Xuân Kiên... đều đang sử dụng sơn của họ để sơn các sản phẩm ô tô, xe máy.
Ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ô tô Trường Hải, cho hay, với sản lượng lên tới 40.000 xe/năm, nhu cầu về các loại sơn để sơn linh kiện, khung gầm, thân vỏ xe... của công ty này rất lớn. Tuy nhiên, từ khi đi vào sản xuất đến nay, hơn chục năm qua, chỉ có các nhà cung cấp sơn nước ngoài hoặc DN FDI đến chào mời sử dụng sản phẩm của họ, còn ông không hề thấy bóng dáng các DN Việt Nam.
“Chúng tôi sẵn sàng gặp gỡ các DN sơn Việt Nam, xem sản phẩm của họ và đặt hàng nếu có chất lượng tốt, giá hợp lý. Thực tình, Trường Hải rất muốn sử dụng sơn trong nước cho một số sản phẩm xe tải, xe khách sản xuất để giảm chi phí, nhưng không có DN sơn nào của Việt Nam có thể cung cấp”, ông Tài nói.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên, cũng than thở: “Năm 2004 khi đầu tư dây chuyền sơn điện ly để sơn ô tô tải, tôi cũng đã tìm kiếm các nhà cung cấp sơn của Việt Nam nhưng không DN nào sản xuất. Đây là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, sơn sấy ở nhiệt độ 170 độ C, nên phía Việt Nam chưa đáp ứng được”.
Sơn của Việt Nam chỉ sơn hàng rào
Về vấn đề này, một DN sản xuất sơn của Việt Nam lý giải, sơn dùng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy là sơn công nghệ cao, đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn, màng sơn thân vỏ ô tô vừa đóng vai trò làm đẹp, vừa bảo vệ bề mặt thân xe suốt thời gian sử dụng, chống xước cho xe, chịu được mưa axit, tránh được sự xuống cấp do tia tử ngoại... Lớp màng này rất mỏng, chỉ khoảng 0,1mm nhưng trong đó bao gồm rất nhiều lớp hóa chất, phải có công nghệ cao mới sản xuất được.
Các DN Việt Nam muốn làm được cần có 2 điều kiện quan trọng, đó là vốn đầu tư lớn và làm chủ công nghệ; tức là, phải có dây chuyền sản xuất hiện đại và phải bỏ chi phí lớn cho nghiên cứu phát triển, hoặc mua công nghệ mới có được. Tuy nhiên, DN Việt Nam vốn ít, công nghệ không có thì... bó tay.
“Chúng tôi cũng biết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới, khi chuyển giao cho đối tác hoặc đầu tư vào nước nào đó thường chỉ định sơn của các nhà cung cấp truyền thống. Bởi, các sản phẩm sơn này đã được họ đã thử nghiệm nhiều lần và sử dụng cho sản phẩm ô tô xe máy ổn định. Nếu DN Việt Nam có sản phẩm tốt, được phía nước ngoài sử dụng và chỉ định dùng trên toàn cầu thì còn gì bằng. Như vậy tức là đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị giám đốc trên bày tỏ.
Nhưng, do thương hiệu yếu, thiếu vốn, thiếu công nghệ, lại không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, DN Việt Nam không thể sản xuất và cạnh tranh được.
Giám đốc một DN ô tô tại Hà Nội tiết lộ có sử dụng sơn của DN Việt Nam nhưng chỉ để sơn hàng rào nhà máy, còn sơn nhà xưởng cũng không dùng được, vẫn phải mua sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.
Ngay cả khi đã đầu tư sản xuất sơn tại Việt Nam, các DN FDI cho biết toàn bộ nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, chẳng hạn nguyên liệu dùng cho sơn ô tô nhập từ Nhật Bản, cho xe máy nhập từ Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và châu Âu. Máy móc thiết bị cũng vậy. Việt Nam không cung cấp gì ngoài nhân công giá rẻ.
Rõ ràng, với tình trạng này, con đường để tiến tới một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển của Việt Nam còn quá gập ghềnh, chông gai.
DK (nguồn: theo giaothongvantai.com.vn)