Xe "giao tiếp" với nhau
Hãy thử tưởng tượng bạn đang đến gần ngã tư đèn đỏ và chiếc xe phía trước đã dừng lại. Tuy nhiên, do không chú ý nên bạn vẫn tiếp tục cho xe di chuyển và xảy ra va chạm.
Với công nghệ "giao tiếp" mới, chiếc xe phía trước sẽ truyền tín hiệu đến ôtô của bạn. Sau khi nhận được tín hiệu, chiếc xe của bạn sẽ phản ứng lại bằng cách đưa ra các cảnh báo va chạm thông qua cả hình ảnh lẫn âm thanh và tự động lại để tránh đâm. Đây là công nghệ đang được các nhà sản xuất xe như Ford nghiên cứu và phát triển để giảm thiểu các vụ va chạm không đáng có trên đường.
Công nghệ Vehicle to Vehicle (V2V) hoạt động bằng cách sử dụng các tín hiệu không dây để truyền và nhận thông tin về vị trí, tốc độ cũng như hướng di chuyển giữa các xe với nhau. Theo nghiên cứu do Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ thực hiện, nếu thành công, V2V có khả năng giảm thiểu 79% các vụ va chạm trên đường đồng thời thay đổi cách thức điều khiển phương tiện của con người và nâng cao độ an toàn khi đi lại bằng xe hơi.
Xe tự động lái
Ý tưởng xe tự lái không hề mới. Rất nhiều bộ phim đã sử dụng ý tưởng này và trên thực tế là đã có những chiếc xe có khả năng tự đỗ vào vị trí.
Ở California và Nevada, những chiếc xe tự động lái đã được các kỹ sư của Google cho chạy thử với tổng quãng đường lên đến 321.860 km. Những chiếc xe của Google không chỉ có thể ghi lại những hình ảnh trên đường đi mà còn có thể đọc biển chỉ đường, tìm ra đường ngắn hơn và phát hiện đèn tín hiệu trước khi người lái có thể nhìn thấy.
Bằng cách sử dụng tia laser, hệ thống radar và camera, chiếc xe có thể phân tích và xử lý thông tin những vật xung quanh xe. Xe tự động lái có thể khiến giao thông an toàn hơn khi không cần đến người lái vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.
Biểu đồ thông tin thời gian thực
Hãy nhớ lại về phim Kẻ Hủy Diệt hay một số bộ phim khoa học giả tưởng khác khi một rô-bốt nhìn vào và tự động hiển thị thông tin về một người hoặc một vật nào đó. Công nghệ Augmented Reality (AR) cũng có tác dụng tương tự với người lái xe.
BMW đã ứng dụng công nghệ hiển thị thông tin lên kính chắn gió ở một số mẫu xe của hãng. Đồng thời, hãng xe Đức cũng đang phát triển công nghệ AR có khả năng nhận diện các vật ở phía trước xe và cho người lái biết khoảng cách giữa xe và vật đó. AR sẽ hiển thị thông tin chung về vật đó trên kính chắn gió ngay trước mặt người lái.
Ví dụ, nếu bạn đang tiến đến một chiếc xe khác với tốc độ nhanh, một hộp màu đỏ sẽ hiện lên ở trên kính chắn gió, trùng với vị trí của chiếc xe phía trước, sau đó một mũi tên chỉ dẫn và làn đường bên cạnh sẽ hiển thị trên kính chắn gió giúp bạn biết nên chuyển làn tránh xe theo phía nào.
Công nghệ này còn có thể ứng dụng cho các kỹ thuật viên để sữa chữa xe. Các kỹ thuật viên sẽ được trang bị kính AR, khi nhìn vào động cơ, thông tin về động cơ, bộ phận cần thay và các bước thực hiện sẽ được hiển thị trên kính.
Hãng Toyota lại áp dụng công nghệ AR cho các hành khách giúp họ xác định được thông tin và khoảng cách của các vật bên ngoài xe. Chiếc xe sẽ được trang bị cửa sổ cảm ứng để hành khách thực hiện các thao tác này.
Túi khí giúp dừng xe
Mercedes-Benz đang nghiên cứu cách sử dụng túi khí mới, biến chúng trở thành một phần của hệ thống an toàn chủ động trên xe. Cụ thể, Mercedes-Benz đặt các túi khí ở bên dưới xe, khi các cảm biến trên xe xác định sắp xảy ra va chạm, các túi khí này sẽ tự động bung ra giúp dừng xe lại. Túi khí cũng sẽ nâng xe lên 8 cm khi phanh gấp nhằm giảm quán tính cho hành khách cũng như giảm lực va chạm nhằm giúp hành khách không bị trượt khỏi dây an toàn.
Ốp thân xe tích trữ năng lượng
Theo dự đoán, đến năm 2040, một nửa lượng xe được sản xuất mới sẽ là xe hybrid. Đây là một tin đáng mừng với những nhà bảo vệ môi trường nhưng có một vấn đề với hệ thống hybrid là bộ pin khá cồng kềnh và nặng. Thậm chí được trang bị bộ pin lithium-ion tiên tiến thì trọng lượng cũng không giảm nhiều. Đó là lúc ý tưởng về các tấm ốp thân xe tích trữ năng lượng ra đời.
Ở châu Âu, một nhóm 9 nhà sản xuất xe hơi đang hợp tác nghiên cứu và thử nghiệm các tấm ốp thân có khả năng tích trữ năng lượng và sạc nhanh hơn cả các bộ pin ngày nay. Các tấm ốp này được làm bằng sợi polimer và nhựa carbon. Chúng đủ cứng để ốp lên xe và cũng đủ mềm dẻo để đúc thành tấm. Bằng việc sự dụng các tấm ốp này, trọng lượng của xe có thể giảm 15%.
Những tấm ốp này có thể được sạc thông qua cắm điện trực tiếp hoặc bằng công nghệ tích trữ năng lượng khi phanh xe hoặc đổ dốc. Sử dụng công nghệ này không chỉ giảm được kích thước của khối pin mà còn giảm được lượng năng lượng tiêu tốn do trọng lượng của khối pin gây ra. Hãng xe Nhật Bản Toyota cũng đang nghiên cứu công trình tương tự nhưng với một bước tiến xa hơn là trực tiếp sạc pin thông qua năng lượng mặt trời.
Dù là tích trữ hay nạp năng lượng thì các hãng sản xuất xe hơi đang tìm cách để giảm trọng lượng cũng như lượng tiêu thụ nhiên liệu cho xe của họ.
Khánh Hà (nguồn: theo Thanh Hà, giaothongvantai.com.vn)