Sự kiện - Vấn đề

Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong ngành Cơ khí phù hợp tình hình mới

27/12/2024 00:12
311 Lượt xem
Ngày 27/12/2024, Tổng hội Cơ khí Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Tư vấn, phản biện về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong ngành Cơ khí”. Ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Phú Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành khoa học kỹ thuật – Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), PGS,TS. Nguyễn Ngọc Chương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Cơ khí Việt Nam, TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Hậu – Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành khoa học kỹ thuật  (Bộ KH&CN) và lãnh đạo các Viện Cơ khí, lãnh đạo một số trường đại học liên quan; các GS, PGS, TS, các nhà khoa học, nhà giáo của nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, chủ nhiệm một số Chương trình KHCN cấp Nhà nước, các chuyên gia đầu ngành về Cơ khí...

TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và TS. Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Phát triển KH&CN được coi là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là động lực và nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Với sự phát triển nhanh chóng của KH&CN, vòng đời của sản phẩm được thu ngắn. Sản phẩm cũ sớm được thay thế bằng các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh cao hơn. Điều đó đặt ra yêu cầu phải sử dụng các phương pháp tổ chức thiết kế hợp lý, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Phương pháp tổ chức thiết kế sản phẩm cơ khí được coi là điển hình và tiêu chuẩn hóa để áp dụng cho các ngành công nghiệp khác.

Hội thảo nhằm nêu bật đặc điểm của hoạt động nghiên cứu KH&CN và thiết kế sản phẩm, ưu nhược điểm của các mô hình quản lý, đánh giá hiện trạng,…Từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nghiên cứu KH&CN và thiết kế sản phẩm cơ khí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam khẳng định, ngành Cơ khí nước ta đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngay từ năm 1945 khi đất nước được thành lập, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới lĩnh vực này. Liên tiếp trong nhiều Đại hội của Đảng đều xác định, cơ khí là then chốt, cơ khí là nền tảng, là xương sống của nền kinh tế, chúng ta tập trung rất mạnh xây dựng ngành Cơ khí, hình thành nên ngành công nghiệp rất quan trọng của đất nước. 

Hội thảo hôm nay mở ra, ngoài việc trình bày để hiểu rõ hơn về quản lý KH&CN trong lĩnh vực cơ khí, các đại biểu cho ý kiến tư vấn, phản biện góp ý cho Liên hiệp các Hội Việt Nam, từ đó đề đạt cho các cơ quan lãnh đạo cao hơn. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang quá trình chuyển đổi, sáp nhập sôi nổi, chức năng quản lý nhiệm vụ từng Bộ, từng ngành sẽ phải xác định lại. Vì vậy, Hội thảo này rất quan trọng, phải tư vấn, phản biện giúp Nhà nước về vấn đề quản lý KH&CN trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới. Sau khi hội thảo, sẽ tổng kết, đúc kết và có kiến nghị lên Liên hiệp các Hội Việt Nam, đề đạt lên các cơ quan cấp cao để đưa ra cách quản lý mới cho lĩnh vực cơ khí, giúp cho ngành cơ khí nước ta phát triển.

TS. Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh, cơ khí không đơn thuần chỉ là cơ khí mà là tích hợp 5 lĩnh vực quan trọng: Cơ khí – Cơ điện tử - Tự động hoá – Công nghệ thông tin – Chuyển đổi số. Quá trình này tiến tới tự động hoá không những chỉ trong lĩnh vực cơ khí mà sẽ là quản lý số. Các tham luận sẽ nêu những vấn đề còn tồn tại, những việc cần phát huy, cần thay đổi để hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực cơ khí ngày càng một phát triển tốt hơn, vững bền, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đất nước, đặc biệt trong quá trình công nghiệp 4.0 hiện nay. 

Theo TS. Nguyễn Đình Hậu – Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành khoa học kỹ thuật (Bộ KH&CN), cơ khí chế tạo có vị trí rất quan trọng là cơ sở, động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Ngành cơ khí có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ những trang thiết bị cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản, giao thông vận tải và các trang thiết bị cho bảo vệ an ninh quốc phòng. 

TS. Nguyễn Đình Hậu – Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành khoa học kỹ thuật (Bộ KH&CN) khẳng định, cơ khí chế tạo có vị trí rất quan trọng

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, rà soát, xây dựng và hoàn thiện 8 đạo luật về KH&CN với nhiều nội dung đổi mới, đột phá đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí.

TS. Nguyễn Đình Hậu cho biết, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đã có nhiều thành tựu đáng kể góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, như: Nắm vững, làm chủ các công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao năng lực nội sinh của ngành cơ khí chế tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tạo ra nhiều sản phẩm mới, công nghệ mới, hình thành các doanh nghiệp mới, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường; Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu các ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; Góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ; tạo cho điều kiện chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tiết kiệm kinh phí nhập khẩu thiết bị máy móc, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, TS. Nguyễn Đình Hậu đề xuất tập trung đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xây dụng cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN, cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ lĩnh vực cơ khí chế tạo. Tăng cường đầu tư kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ của ngành cơ khí chế tạo. Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp cần xây dựng chương trình, chiến lược phát triển công nghệ, sản phẩm có trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn trong ngành công nghiệp cơ khí chế tạo.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, trong giai đoạn từ 2018-2023, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam chứng kiến sự thay đổi lớn trong cơ cấu đóng góp giữa các khu vực. FDI ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất và xuất khẩu, trong khi khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm dần tầm quan trọng. Những biến động về xuất nhập khẩu cơ khí phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, cũng như sự ảnh hưởng của các yếu tố toàn cầu.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Đã đến lúc chúng ta cần sơ kết hoạt động của Ngành, phân tích, tìm ra nguyên nhân làm ngành Cơ khí chưa đạt mục tiêu theo Chiến lược đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp để ngành Cơ khí phát triển góp phần giúp đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới” – Chủ tịch VAMI nhấn mạnh.

Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách hoạt động KHCN ngành Cơ khí phù hợp thực tế hiện nay trên cơ sở kinh nghiệm quản lý KHCN Công nghiệp, TP. Hà Nội của Chương trình CT-03”, PGS,TS. Hoàng Văn Gợt - Chủ nhiệm Chương trình CT-03 TP. Hà Nội cho hay, từ một số thành công ban đầu trong quản lý và đổi mới với giải pháp tiếp xúc trực tiện tại các tổ chức KHCN, các doanh nghiệm có tiềm năng nghiên cứu khoa học và nhập công nghệ mới đã chỉ ra rằng: Đã phát hiện và định hướng các tổ chức KHCN đề xuất các đề tài có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn, rút ngắn được thời gian nghiên cứu thăm dò; Thông qua cách tiếp cận của của ChTr-03 đã tạo được gắn kết giữa 3 nhà: Nhà quản lý- nhà khoa học nghiên cứu và doanh nghiệp mà vốn là điểm yếu của cơ chế kế hoạch hóa trước đây tồn tại nhiều năm; Tăng cường tổ chức hội thảo KHCN nhằm quảng bá tiềm năng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của tổ chức KHCN để nâng cao việc hợp tác giữa các chức KHCN trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. 

PGS,TS. Hoàng Văn Gợt - Chủ nhiệm Chương trình CT-03 TP. Hà Nội phát biểu.

Giới thiệu một số kinh nghiệm quản lý hoạt động nghiên cứu KHCN trong ngành Cơ khí, GS, TS. Đinh Văn Chiến – Viện trưởng Viện KHCN Cơ khí – Tự động hoá – Môi trường cho rằng, cần thiết quan tâm đến quy trình đặt hàng, nghiệm thu và quyết toán các đề tài nghiên cứu; nên có quy trình xử lý các thiết bị cơ khí, máy để vừa khai thác được giá trị của sản phẩm, vừa tránh được việc bảo quản thiết bị đơn vị chủ nhiệm đề tài. Việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chưa phát huy được nguồn lực của khối dân sự thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực an sinh, quốc phòng và ngược lại. Cần suy nghĩ và tạo cơ chế để phát huy hiệu quả nguồn lực ngoài nguồn từ nhà nước, chống lãng phí trong lĩnh vực cơ khí.

GS,TS. Đinh Văn Chiến – Viện trưởng Viện KHCN Cơ khí – Tự động hoá – Môi trường giới thiệu một số kinh nghiệm quản lý hoạt động nghiên cứu KHCN trong ngành Cơ khí.

PGS,TS. Nguyễn Phú Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành khoa học kỹ thuật – Bộ KH&CN phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS. Đào Duy Trung – Tổng hội Cơ khí Việt Nam phát biểu.

GS,TS. Hướng Xuân Thạch - Học viện Kỹ thuật Quân sự phát biểu.

Qua các ý kiến đóng góp phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào kết luận, đổi mới hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo ngày càng được chú trọng. Việc xây dựng nhiệm vụ KHCN, chế tạo sản phẩm cần nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để mang lại hiệu quả và sản phẩm có sức cạnh tranh. Trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo sản phẩm hiện nay cần kết hợp nhiều lĩnh vực mới, cơ điện tử, tự động hoá, công nghệ thông tin, robot… Các nhà nghiên cứu khi thiết kế sản phẩm cần lưu ý để phù hợp với thời cuộc để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Tăng cường vai trò cơ sở sản xuất trong quá trình nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế. Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định riêng cho quản lý các đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm, trong đó xác định yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm, trình tự tiến hành, gắn kết cơ chế quản lý nghiên cứu KHCN với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, các thiết kế sản phẩm đảm bảo công nghệ sản xuất, hạ giá thành.

Đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và hoạt động KHCN, mở rộng gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với dân sự tạo sản phẩm lưỡng dụng.

Đổi mới quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo, sửa đổi Luật KHCN. Xử lý các kết quả nghiên cứu, máy móc thiết bị sau nghiên cứu. Tăng cường trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo, có nhiều chỉ tiêu đánh giá trong từng giai đoạn. Kiến nghị Nhà nước là bà đỡ cho các công trình trọng điểm quốc gia. Hoàn thiện quy phạm pháp luật về quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển KHCN, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước. Tạo sự liên kết, liên thông giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, nghiên cứu thị trường. Kiểm điểm thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực cơ khí phù hợp với tình hình thế giới hiện nay.

Quang cảnh Hội thảo.

Linh Nga

Có thể bạn quan tâm

Năm mới, ngành Công Thương cùng thi đua để giành nhiều thắng lợi mới

Sáng 3/2/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi gặp mặt đầu Xuân Ất Tỵ 2025.

Hà Lan có thể đầu tư vào chip bán dẫn tại Việt Nam

Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho biết nước này quan tâm và sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.

Quận uỷ - UBND quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng chúc mừng năm mới!

Quận uỷ - UBND quận Lê Chân: Số 10G đường Hồ Sen, phường Trại Cau, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng

Quận uỷ - UBND quận Kiến An, thành phố Hải Phòng chúc mừng năm mới!

Quận uỷ - UBND quận Kiến An: Số 02 phố Cao Toàn, phường Trần Thành Ngọ - quận Kiến An - thành phố Hải Phòng

'Tăng tốc và bứt phá' để đạt mục tiêu GDP tăng 8-10%

Nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tình hình kinh tế xã hội (KTXH) nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, tốt hơn qua từng tháng, từng quý, năm 2024 không chỉ đạt mà cơ bản vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top