Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây đánh giá khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm vừa qua; đồng thời, tập trung phân tích hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường nước, không khí và môi trường đất; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn... trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt cả ở trong nước và quốc tế. Báo cáo cũng xác định những vấn đề tồn tại, khó khăn trong công tác BVMT giai đoạn 2016-2020; nhận diện các thách thức trong công tác quản lý và đề xuất các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 được xây dựng dựa trên mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng (D-P-S-I-R). Động lực là các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, sự chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế tại đô thị và nông thôn, sự thay đổi các hình thái cung cấp dịch vụ, thương mại…, các động lực này cùng sự biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố môi trường tạo ra áp lực làm thay đổi chất lượng môi trường. Hiện trạng được đánh giá gồm diễn biến chất lượng các thành phần môi trường: không khí, nước (nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển và hải đảo), đất; hiện trạng phát sinh, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; đa dạng sinh học. Chất lượng các thành phần môi trường được đánh giá thông qua việc so sánh kết quả quan trắc các thông số môi trường với các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành, đồng thời có sự so sánh giữa các năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và so sánh với giai đoạn trước đó để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường. Các thành phần môi trường bị ô nhiễm cùng sự suy giảm đa dạng sinh học tác động đến sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân tích thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý và BVMT là cơ sở xây dựng nội dung đáp ứng gồm các giải pháp định hướng lâu dài cũng như các giải pháp cụ thể, giải pháp cấp bách nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất lượng môi trường hiệu quả phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Các thông tin, dữ liệu sử dụng trong Báo cáo được tổng hợp từ các nguồn chính thống, trong đó, số liệu về động lực (số liệu về kinh tế - xã hội): các báo cáo niên giám thống kê; số liệu về áp lực (số liệu về nguồn thải) và số liệu về hiện trạng (số liệu quan trắc môi trường): từ Bộ Tài nguyên Môi trường, một số Bộ, ngành và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 gồm 10 chương:
Chương 1: Tổng quan về phát triển kinh tế- xã hội và tác động lên môi trường
Chương 2: Biến đổi khí hậu, thiên tai
Chương 3: Phát sinh, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại
Chương 4: Môi trường nước
Chương 5: Môi trường không khí
Chương 6: Môi trường đất
Chương 7: Đa dạng sinh học
Chương 8: Tác động của ô nhiễm môi trường
Chương 9: Quản lý môi trường
Chương 10: Những thách thức và định hướng bảo vệ môi trường 5 năm tiếp theo
Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đạt những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội; mặc dù đầu nhiệm kỳ (2016) gặp sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), cuối nhiệm kỳ (2020) bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao của thế giới.
Trong đó, 04 năm đầu (2016 - 2019), nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8%/năm; năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng đã gây áp lực lớn lên môi trường do các loại chất thải phát sinh từ hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác BVM hiện nay và giai đoạn tiếp theo.
Công tác BVMT đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số khu vực như: Ô nhiễm môi trường nước ở một số đoạn sông chính chảy qua khu đô thị, các làng nghề; ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh; vấn đề tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây tác động tiêu cực đến môi trường đất. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường cũng là thách thức không nhỏ đối với công tác BVMT.
Đánh giá chung về công tác BVMT thời gian qua, Báo cáo khẳng định, công tác quản lý nhà nước về BVMT được chú trọng, đã chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm. Việc hình thành và duy trì hàng loạt hoạt động giám sát tại các cơ sở có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt, sự cố môi trường đã được kiểm soát; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, đặc biệt là các điểm ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, vận hành ổn định; xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng ngề, cơ sở sản xuất sinh thái thân thiện với môi trường.
Các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt, có sự cải thiện dần qua từng năm và so với giai đoạn trước, trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ hoàn thành, xử lý cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị; tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là việc Quốc hội thông qua Luật BVMT 2020, trong đó đã cải cách thể chế môi trường của Việt Nam theo hướng tiếp cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Nhận thức của người dân về môi trường, đặc biệt là ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong chấp hành pháp luật BVMT đã được nâng lên một bước. Tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm. Chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về BVMT tăng dần qua từng năm.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nêu trên, song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên các thành phần môi trường: nước mặt lục địa tại lưu vực sông, không khí tại một số đô thị lớn, đất nông nghiệp tại một số vùng chuyên canh, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên về số lượng loài và cá thể động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện với môi trường còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT vẫn còn những điểm vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện; nguồn lực cho công tác BVMT chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu, nhiệm vụ… Vì vậy, để thực hiện tốt công tác BVMT trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay của người dân và cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Trên cơ sở các kết quả tổng hợp, phân tích, đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường, hoạt động quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học..., cùng với những nhận định về nguyên nhân, tồn tại trong công tác BVMT, Báo cáo đã xác định những thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác BVMT trong giai đoạn tới, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải; cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...
Với việc cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động BVMT.