Từ ý tưởng hợp tác đến kết quả thiết thực
Khởi đầu từ năm 2015, chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam hướng đến mục tiêu tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa có tiềm năng trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, trước hết là hệ sinh thái sản xuất của Samsung. Đây không chỉ là một chương trình tư vấn sản xuất đơn thuần, mà là một chiến lược tổng thể giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, công nghệ, chất lượng và năng suất.
Tính đến cuối năm 2024, đã có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát và tư vấn cải tiến theo mô hình sản xuất tiên tiến. Trong số này, 63 doanh nghiệp đã vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Điều này không chỉ minh chứng cho sự trưởng thành của các doanh nghiệp nội địa, mà còn khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của mô hình hợp tác công – tư giữa nhà nước và tập đoàn nước ngoài.
Theo ghi nhận từ thực tế, các doanh nghiệp sau khi tham gia chương trình đều có những thay đổi tích cực và rõ nét: năng suất tăng từ 30% đến 50%, tỷ lệ lỗi sản phẩm giảm mạnh, chi phí sản xuất được tối ưu, hệ thống quản lý chất lượng và môi trường được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn ISO, IATF… Nhờ đó, ngoài việc trở thành đối tác của Samsung, nhiều doanh nghiệp còn mở rộng hợp tác với các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử, linh kiện, cơ khí, nhựa kỹ thuật và bao bì.
Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho các doanh nghiệp (Ảnh: Samsung Việt Nam).
Những tiêu chí lựa chọn khắt khe, sát thực tế
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của chương trình, Samsung Việt Nam cùng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã xây dựng một hệ thống tiêu chí đánh giá chặt chẽ nhưng sát thực tế để lựa chọn doanh nghiệp tham gia. Các tiêu chí này bao gồm:
• Lĩnh vực hoạt động phù hợp: Ưu tiên doanh nghiệp trong các ngành CNHT như linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, khuôn mẫu, xử lý bề mặt, bao bì công nghiệp…
• Năng lực sản xuất thực tế: Doanh nghiệp có hệ thống nhà xưởng, thiết bị, máy móc và quy trình sản xuất ổn định, có khả năng mở rộng.
• Chất lượng sản phẩm: Đáp ứng hoặc có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kiểm soát chất lượng đầu ra khắt khe từ các tập đoàn FDI.
• Tinh thần cải tiến và hợp tác: Doanh nghiệp cam kết cải tiến liên tục, sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, và tham gia đào tạo nhân lực.
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo ngắn hạn, chương trình hỗ trợ được thiết kế bài bản và thực hành trực tiếp tại nhà máy trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, tùy theo quy mô và nhu cầu cải tiến của doanh nghiệp. Đây chính là điểm khác biệt so với nhiều chương trình hỗ trợ khác, bởi doanh nghiệp không chỉ được “hướng dẫn lý thuyết” mà còn được “cầm tay chỉ việc” để vận hành hiệu quả các mô hình Lean, 5S, Kaizen, TPM, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả quản trị.
Chuyển đổi số và sản xuất thông minh: Mục tiêu mới
Từ nền tảng hợp tác hiệu quả ban đầu, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình có tầm nhìn dài hạn hơn, hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Một trong những sáng kiến nổi bật là Chương trình hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh (Smart Factory), giúp doanh nghiệp nội địa từng bước số hóa quy trình, ứng dụng công nghệ cao vào quản lý và điều hành sản xuất.
Theo ông Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp), hiện Bộ Công Thương và Samsung đang hợp tác triển khai đồng loạt nhiều chương trình như: Đào tạo chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất, Chương trình phát triển nhân lực ngành khuôn mẫu, Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới, và đặc biệt là các dự án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp tư vấn cải tiến cho gần 400 doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đào tạo hơn 400 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực CNHT. Bên cạnh đó, dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu – lĩnh vực được đánh giá là "xương sống" của ngành chế tạo – cũng đang được tích cực triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi sản xuất công nghệ cao.
Thúc đẩy nội địa hóa và nâng cao vị thế quốc gia
Theo Cục Công nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn là bước đi chiến lược trong quá trình tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thông qua các chương trình hợp tác cụ thể, thiết thực và bền vững, Bộ Công Thương và Samsung đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành CNHT theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, công nghệ làm động lực và chuỗi cung ứng toàn cầu làm mục tiêu hội nhập.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch và những biến động địa chính trị, mô hình hợp tác công – tư như giữa Samsung và Bộ Công Thương chính là lời giải hiệu quả để doanh nghiệp Việt “vươn ra biển lớn” một cách vững chắc và chủ động.