Toàn tuyến băng tải xuyên biên giới Việt - Lào dài khoảng 160 km từ mỏ XPPL (Lào) đến cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị, Việt Nam), trong đó: 85 km tuyến băng tải nằm trên lãnh thổ Lào, 6,3 km tuyến băng tải xuyên qua biên giới Việt – Lào và 70 km tuyến băng tải nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
Giai đoạn một của dự án sẽ thực hiện hạng mục hệ thống kho than và tuyến băng tải dài 6,3 km xuyên qua biên giới Việt – Lào. Liên danh Viện Nghiên cứu Cơ khí và GP Holdings sẽ phối hợp với PKG triển khai khảo sát, nghiên cứu khả thi các đoạn còn lại của hệ thống băng tải.
GP Holdings, Viện Nghiên cứu Cơ khí và Tập đoàn Phonesack Group thực hiện ký Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng kho bãi và băng truyền tải than dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Lào.
Tập đoàn Phonesack Group là chủ đầu tư dự án. Liên danh nhà thầu gồm Viện Nghiên cứu Cơ khí và GP Holdings đều đã có nhiều kinh nghiệm và có đủ nguồn lực để thực hiện nhiều gói thầu EPC trong lĩnh vực công nghiệp cho các chủ đầu tư trong nước và quốc tế.
Băng tải than cắt qua đường biên giới tại cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Salavan, Lào) là dự án chưa có tiền lệ. Khi đưa vào khai thác, công suất dự kiến 6.000 tấn/giờ. Băng tải sẽ giúp rút ngắn thời gian, tăng lưu lượng than được thông quan, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại khu vực cửa khẩu.
Trong 2 năm gần đây, hoạt động nhập khẩu than đá từ Lào về Việt Nam rất sôi động và được thông quan chủ yếu qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay - La Lay. Mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế La Lay tiếp nhận khoảng 4.000 tấn than, những ngày cao điểm, không ùn tắc giao thông có thể lên đến 12.000 tấn than với 400 - 450 xe và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Băng tải sẽ được thi công đặt trên các trụ đỡ, khoảng cách tiêu chuẩn giữa các trụ đỡ là 24m. Kết cấu trụ đỡ và cầu dàn băng tải bằng thép; chiều cao trụ đỡ từ 5 - 20m tùy địa hình.