Robot người máy của Toyota có tên gọi Punyo, nó có một vẻ ngoài rất đáng yêu với khuôn mặt dễ thương, dễ gần khiến mọi người liên tưởng đến robot Baymax trong bộ phim Big Hero 6 của Disney. Vì người làm ra nó là những kỹ sư của công ty Toyota nên nó mang “quốc tịch” Nhật Bản, hơn hết với kết cấu hình người có thân trên mềm mại nên khi ôm, nó như một chàng trai đang mặc một chiếc áo phao to, trông vô cùng ấm áp.
Cậu bé áo phao Punyo của Toyota. (Nguồn Internet)
Baymax trong Big Hero 6 của Disney. (Nguồn Internet)
Hiện nay, hầu hết các robot hình người đều nhặt hay cầm các đồ vật bằng tay, nhưng đó không phải cách con người chúng ta làm bởi khi chúng ta mang một vật có kích cỡ khá lớn thì chúng ta sẽ sử dụng cả cơ ngực bằng cách ôm nó lên, đương nhiên trọng lượng cũng sẽ chia đều cho các bộ phận khác. Và đó chính là ý tưởng đằng sau chú robot này của Toyota.
Và quả đúng như ý tưởng, chiếc “áo phao” này tập trung chủ yếu vào khả năng “ôm”. Vật liệu để làm ra Punyo là vật liệu bám dính, tạo ra một cảm giác mềm mại, đàn hồi trên các khung kim loại cứng và vải của chiếc áo được trang bị các cảm biến xúc giác cho phép nó cảm nhận chính xác những gì nó đang ôm, cho dù đó là người hay đồ vật nó đang mang.
Bàn tay khéo léo và mềm mại có thể nằm trong bản thiết kế và quy trình chế tạo, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại đôi tay của Punyo trông như… đầu của gậy đánh golf chắc là sự miêu tả thích hợp nhất chăng? Toyota gọi chúng là bàn tay, bàn chân và thậm chí đôi tay ấy còn không có những ngón tay để nắm. Đôi tay của cậu bé ấy chỉ có lòng bàn tay với cấu trúc có các miếng đệm hơi với các họa tiết chấm nhỏ, bên trong lớp đệm được giám sát bởi camera, để khi Punyo chạm vào thứ gì đó, nó có thể nhìn thấy và biết mình đã chạm vào thứ gì.
Cánh tay robot có thêm độ mềm mại nhờ vào một hàng 13 bong bóng chứa đầy không khí kéo dài từ vai đến cổ tay, có thể điều chỉnh áp suất riêng để có độ cứng tối ưu, tùy thuộc vào hoạt động của nó.
Các kỹ sư chế tạo robot của Tập đoàn Nghiên cứu Toyota đã đào tạo Punyo cách xử lý khi cầm một số vật thể lớn khác nhau. Đôi khi là việc nghiêng người về phía trước để cầm, ôm đồ vật vào ngực và ngả người ra sau để nhấc chúng lên. Có cả những lúc việc đào tạo Punyo trở nên thú vị hơn, kỹ năng mang vác đồ vật được nâng cao, chẳng hạn như bê bình nước lên vai và giữ ổn định từ trên cao.
Robot người máy vác bình nước trên vai như con người. (Nguồn: Internet)
Vào tháng 9 vừa qua, Toyota đã cho thấy được một bước đáng chú ý trong việc đào tạo robot, trong đó robot được giao nhiệm vụ thực hiện hàng chục công việc trong nhà bếp như phết đồ ăn lên bánh mì, gọt vỏ khoai tây, cán bột bánh pizza và lật bánh crepe bằng thìa. Sau đó, thông qua hệ thống học tập, các robot đã thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng trong vài giờ đồng hồ rồi lặp lại những gì chúng đã được thấy và tự mình thực hiện nó.
Punyo cũng đang được sử dụng cùng một loại hệ thống học tập AI cùng những yếu tố bổ sung, nâng cấp, nhóm nghiên cứu cũng có thể xét các trường hợp, môi trường xung quanh như sự tuân thủ chặt chẽ về chuyển động, mức độ ưu tiên dành cho tốc độ hay tầm quan trọng của sự hiệu quả trong công việc mà nó đã làm.
Sự tiếp cận khác biệt này đem đến nhiều thứ mới mẻ về việc phát triển robot hình người, mặc dù kiểu “ôm” này không thể phù hợp trong mọi tình huống nhưng biết đâu được trong một thời gian không xa, những cậu bé robot này khi đặt trong nhà của chúng ta, nó có thể ôm con của chúng ta trong khi người lớn không có ở nhà, với những cái ôm mềm mại. Đó là một phần những suy nghĩ nhỏ về một sự phát triển robot công nghệ của con người.