Mô hình tích hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ
Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 tọa lạc tại xã Bình Mỹ, xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên) và phường Hội Nghĩa (TP Tân Uyên), tỉnh Bình Dương – một trong những trung tâm công nghiệp phát triển năng động nhất cả nước. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công từ tháng 8/2025 và đưa vào vận hành giai đoạn đầu từ tháng 9/2026.
Tỉnh Bình Dương trao quyết định đầu tư khu công nghiệp Thadico.
Dự án được quy hoạch theo hướng chuyên ngành, tập trung vào lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, bao gồm sản xuất thiết bị, linh kiện, phụ tùng công nghệ cao, đồng thời hướng đến thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xanh và công nghệ sạch. Đây là định hướng nhất quán với chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính.
Khi hoàn thiện, khu công nghiệp này dự kiến sẽ tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong đó có khoảng 10.000 kỹ sư và nhân lực có trình độ đại học trở lên. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng lao động tại địa phương, mà còn từng bước hình thành lực lượng kỹ thuật trình độ cao – yếu tố then chốt trong phát triển bền vững ngành cơ khí và sản xuất công nghệ cao.
Khác với mô hình khu công nghiệp truyền thống, Thaco định hướng phát triển khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 theo mô hình tích hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ. Cùng với hạ tầng sản xuất hiện đại, chủ đầu tư quy hoạch đồng bộ các khu nhà ở cho người lao động và chuyên gia kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân sinh sống và làm việc lâu dài.
Cụ thể, ba khu nhà ở sẽ được triển khai gồm: Ký túc xá rộng 5 ha cho khoảng 1.700 người (giai đoạn 2025–2030); Khu nhà ở thuộc đô thị số 5 rộng hơn 10 ha, dự kiến phục vụ khoảng 3.660 người (2030–2035); Khu nhà ở xã hội và nhà ở công nhân Bình Mỹ, quy mô gần 55 ha, đáp ứng hơn 19.550 chỗ ở, sẽ triển khai trong giai đoạn 2027–2030.
Mô hình phát triển đồng bộ này nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho lực lượng lao động, giảm áp lực lên hạ tầng đô thị, đồng thời giúp thu hút nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác đến làm việc tại Bình Dương.
Thaco là tập đoàn tư nhân đa ngành được sáng lập bởi ông Trần Bá Dương vào năm 1997, khởi nguồn từ lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô. Sau gần 30 năm phát triển, Thaco đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản và hạ tầng giao thông.
Một trong những dấu ấn nổi bật của Thaco là Khu phức hợp cơ khí – công nghiệp tại Chu Lai (Quảng Nam), với diện tích hàng nghìn ha, được xem là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam. Với dự án mới tại Bình Dương, Thaco tiếp tục thể hiện tham vọng đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp chuyên sâu, đặc biệt trong ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ – những lĩnh vực nền tảng cho công nghiệp hóa.
Kỳ vọng về công nghiệp hỗ trợ Bình Dương
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức như chiến tranh thương mại, thay đổi chuỗi cung ứng và hàng rào kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với sự biến động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ông Bùi Minh Trí cho biết, việc tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 không chỉ là bước đi cụ thể trong chiến lược phát triển công nghiệp, mà còn thể hiện cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
“Phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là ‘chìa khóa’ để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu,” ông Trí nhấn mạnh.
Cùng với dự án của Thaco, tỉnh Bình Dương cũng chính thức thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Dương, đi vào hoạt động từ ngày 19/6/2025. Ban chấp hành hiệp hội gồm 33 thành viên, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư khu công nghiệp và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ngay sau khi thành lập, hiệp hội đã ký kết hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung – cầu trong ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như phối hợp tìm giải pháp phát triển công nghệ và ứng dụng sản xuất tiên tiến.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/6/2025.
Hiện Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 29 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 12.745 ha. Trong đó, 28 khu đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 3.250 dự án đầu tư, bao gồm gần 2.600 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký lên tới 31,6 tỷ USD.
Tỉnh cũng đang xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi các cơ sở sản xuất cũ ở phía Nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao – một định hướng phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững.
Từ 1/7/2025, tỉnh Bình Dương chính thức sáp nhập vào TP.HCM, trở thành một phần của “siêu đô thị” với diện tích hơn 6.770 km², quy mô dân số gần 13 triệu người. Trong cơ cấu mới, Bình Dương được định hướng tiếp tục giữ vai trò là “thủ phủ công nghiệp” của khu vực, với trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, logistics và đô thị thông minh.
Việc Tập đoàn Thaco được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp cơ khí 786 ha tại Bình Dương không chỉ là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, mà còn là cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo – hai lĩnh vực chiến lược đang còn thiếu và yếu trong cơ cấu công nghiệp quốc gia.