Cụ thể theo Tổng cục Thống kế, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-7 cả nước đạt hơn 11,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký của 677 dự án mới được cấp phép đạt gần 7 tỉ đô la Mỹ, so với cùng kỳ năm ngoái dù số dự án giảm 6,5% nhưng số vốn đăng ký tăng đến 10%. Ngoài ra, trong thời gian này có 266 dự án đang hoạt động đăng ký bổ sung thêm hơn 4,99 tỉ đô la Mỹ, tăng 36,2% so với cùng kỳ.
Trong tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài bảy tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo đạt hơn 10,44 tỉ đô la Mỹ, chiếm 87,6%. Đây cũng là lĩnh vực luôn giữ vị trí dẫn đầu trong các năm qua khi lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.
Khi "tảng băng" bất động sản chưa tan, dòng vốn FDI những năm gần đây đã trở về với lĩnh vực sản xuất công nghiệp với những dự án đầu tư quy mô lớn và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng vẫn còn nhiều trở ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam như thiếu ngành công nghiệp phụ trợ và lương lao động đang tăng lên. Thực tế là dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp trong thời gian qua tăng cao, nhưng giá trị nhập khẩu để phục vụ sản xuất cũng tăng tương ứng.
Mặt khác, trong tốp 10 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay còn thiếu các đối tác có công nghệ sản xuất hiện đại đến từ các nước châu Âu.
Ngành kinh doanh bất động sản trong 7 tháng qua theo Tổng cục Thống kê đạt 580,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,9%. Các ngành còn lại đạt 889,3 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,5%.
Xét theo đối tác, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất trong 7 tháng qua, với gần 4,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 34,4%. Tiếp theo là Singapore và Nga với lần lượt 3,72 tỉ đô la Mỹ và 1,01 tỉ đô la Mỹ.
Trong 7 tháng qua, cả nước có 46 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 2,14 tỉ đô la Mỹ, chiếm 44,8% tổng vốn đăng ký cấp mới (nhờ dự án sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử của tập đoàn Samsung với số vốn đăng ký là 2 tỉ đô la Mỹ); tiếp đến là Bình Định trên 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 21,1%; Hải Dương 611,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 12,8%; Bình Dương 460,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 9,6%; Đồng Nai 338,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,1%... Theo báo cáo này, 7 tháng đầu năm tổng vốn FDI giải ngân ước 6,65 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,4% so cùng kỳ 2012. |
Hương Thủy (nguồn: theo KTSG)