Chiều ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô; nằm trong hai hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và thuận lợi cho giao thương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Trong đó, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 7/28 mục tiêu chủ yếu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra; 19 mục tiêu tiếp tục phấn đấu hoàn thành; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân GRDP giai đoạn 2020 - 2022 đạt 6,71% (mục tiêu Đại hội là 7 - 8%); quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt 248.376 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 76,5%; dịch vụ chiếm 17,22%; nông nghiệp chiếm 2,53%.
Nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước (năm 2022, PCI xếp 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh thứ 3/63. Chuyển đổi số được đẩy mạnh; chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 xếp thứ 7/63).
Trong 7 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh hết sức khó khăn, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh giảm sâu (6 tháng GRDP giảm 12,59%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng giảm 16,62%. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng. Sản xuất có dấu hiệu phục hồi (chỉ số sản xuất công nghiệp-IIP từ tháng 3/2023 đến nay, tháng sau cao hơn tháng trước; tháng 7 có tốc độ tăng cao nhất, tăng 23,84% so với tháng 6).
Trong thời gian tới, Bắc Ninh phấn đấu phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại trong giai đoạn 2020-2025. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; giải đáp các đề xuất, kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đạt được trên các lĩnh vực sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, với nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, toàn diện, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Gợi mở một số phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Bắc Ninh tiếp tục vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Chính Phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX để lựa chọn những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, nhất là ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số nhằm phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Thủ tướng lưu ý Bắc Ninh phải tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.