Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%, từ 1/9 đến 30/11. Từ 1/12, lệ phí này trở về mức cũ.
Lệ phí trước bạ đối với ôtô, sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%, từ 1/9.
Đây là năm thứ tư liên tiếp xe sản xuất trong nước được hưởng chính sách này. Nhưng thời gian thực hiện chính sách lần này rút ngắn một nửa so với các đợt điều chỉnh trước đây (6 tháng). Thực tế, giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ hạ các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường xe trong nước trong bối cảnh các doanh nghiệp lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô các tháng đầu năm 2024 (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ đạt 58.165 xe, trong đó, xe du lịch đạt 41.858 chiếc, giảm 21%; xe thương mại đạt 15.915 chiếc, giảm 6% và xe chuyên dùng đạt 392 chiếc, giảm 48% so với quý I/2023.
Thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, nửa đầu năm nay, tổng doanh số bán ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước chỉ đạt 67.849 xe, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 4, doanh số bán ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước thấp hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc 3-14%.
Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí lần đầu với ôtô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là 12% giá trị xe; TP. Hồ Chí Minh 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Từ lần nộp lệ thứ hai, mức thu lệ phí trước bạ là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Theo giới chuyên gia, công nghệ ô tô trở thành lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp hàng tỷ USD vào NSNN. Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành. Chính sách còn góp phần tăng quy mô của thị trường nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su... Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
Từ ngày 1/12/2024 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).