Đào tạo nghề và giải quyết việc làm
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Dương đã đưa công tác đào tạo nghề gắn liền với tạo việc làm vào chương trình hành động trọng tâm. Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo huyện khẳng định định hướng phát triển nhanh và bền vững, tận dụng hiệu quả các nguồn lực.
Công tác đào tạo nghề tại huyện Sơn Dương thời gian qua được đẩy mạnh, giúp người lao động nâng cao kỹ năng, tự tin tham gia thị trường lao động. Anh Lại Văn Hùng, thôn Hoàng Tân, xã Ninh Lai là trường hợp điển hình. Sau khi tham gia Ngày hội việc làm do huyện tổ chức, anh đã được tuyển dụng vào Công ty Giày da Phúc Sinh tại Cụm công nghiệp xã Phúc Ứng với mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng. Anh Hùng chia sẻ: "Nhờ có việc làm ổn định, gia đình tôi bớt khó khăn và các con được học hành đầy đủ”.
Một phiên giao dịch việc làm tại xã Đại Phú, huyện Sơn Dương.
Năm 2024, huyện Sơn Dương đã tổ chức hơn 18 lớp đào tạo nghề và 5 phiên giao dịch việc làm, giúp tạo việc làm mới cho hơn 5.367 lao động, vượt 112,9% kế hoạch.
Phát triển sinh kế từ mô hình kinh tế
Không chỉ giải quyết vấn đề đào tạo nghề cho người dân địa phương, huyện Sơn Dương còn tập trung vào các sách hỗ trợ như cấp giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật và nhờ đó, nhiều hộ gia đình tại Sơn Dương đã thoát nghèo.
Anh Lý Văn Thể, thôn Khe Thuyền 3, xã Văn Phú, đã phát triển kinh tế ổn định từ mô hình trồng rừng kết hợp nuôi dê. Thành công của anh không chỉ cải thiện thu nhập gia đình mà còn trở thành động lực để nhiều hộ dân trong thôn học tập, áp dụng.
Huyện cũng triển khai dự án chăn nuôi dê sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị tại các xã như Đại Phú, Hợp Hòa, Đồng Quý và Đông Lợi, hỗ trợ mỗi hộ dân 10 con dê.
Ông Trần Văn Cường, thôn Nhà Xe, xã Đông Lợi, bày tỏ: "Gia đình tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ dê giống. Tôi sẽ chăm sóc đàn dê thật tốt để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống."
Anh Lý Văn Thể, thôn Khe Thuyền 3, xã Văn Phú đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ cây giống, vật nuôi.
Kết quả giảm nghèo và những thách thức
Nhờ sự quyết liệt từ chính quyền địa phương, tỷ lệ hộ nghèo tại Sơn Dương đã giảm đáng kể. Đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại Sơn Dương (Tuyên Quang) giảm còn 11,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,55 triệu đồng/người/năm. Năm qua, Sơn Dương được ghi nhận là địa phương kéo giảm mạnh số hộ nghèo, với hơn 3.200 hộ thoát nghèo (tương đương 6,42%), gần gấp đôi kế hoạch giao. Hiện toàn huyện có gần 6.000 hộ nghèo. Năm 2024, huyện Sơn Dương tiếp tục phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 56,46 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện, công tác giảm nghèo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như: Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa được nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo; sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác đào tạo nghề chưa đồng bộ, gây khó khăn cho người lao động trong việc tiếp cận cơ hội việc làm,…
Để giải quyết các hạn chế, huyện Sơn Dương đang tập trung vào các giải pháp như nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm đào tạo nghề và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đảm bảo người học có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Huyện cũng chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của việc học nghề, hỗ trợ học phí và cấp chứng chỉ nghề để khuyến khích lao động tham gia.
Huyện Sơn Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác giảm nghèo và đào tạo nghề. Đây không chỉ là giải pháp cho hiện tại mà còn là nền tảng phát triển bền vững cho tương lai.